Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Thuyết ưu sinh và những dự án phi nhân tính

Thuyết ưu sinh (eugenics) là học thuyết nổi tiếng những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Học thuyết cho rằng, các chủng tộc loài người có thể cải tiến bằng cách nhân giống chọn lọc có kiểm soát, tạo ra những đứa trẻ với đặc điểm mong muốn, tính trạng hoàn hảo về sức khỏe, vóc dáng, trí tuệ.

Người đưa ra học thuyết tranh cãi này là nhà nhân chủng học người Anh - Francis Galton. Ông là em họ của Charles Darwin, tác giả của học thuyết tiến hóa vĩ đại.

Sau khi đọc cuốn sách nguồn gốc các loài của anh họ mình, Francis Galton đã nêu ra rằng: “Các cơ chế của chọn lọc tự nhiên, sự tiến hóa có thể bị cản trở bởi văn minh con người. Các xã hội thường bao bọc người yếu kém nhất, dẫn đến sự tụt lùi trong nhiều thế hệ. Chỉ tới khi thay đổi hoàn toàn các chính sách ấy thì xã hội loài người mới thoát khỏi sự tầm thường”.

Học thuyết này ngay lập tức đã trở thành đề tài tranh cãi và nghiên cứu của các nhà khoa học. Nó cũng nhận được nhiều sự hậu thuẫn bởi các chương trình khoa học ứng dụng và phong trào sinh học. Các nhà ưu sinh học ủng hộ việc sử dụng những phương thức triệt sản nhằm cải thiện cấu tạo gene của dân số loài người.

Sau khi được truyền bá rộng rãi trong giới khoa học, thuyết này dần được nhiều chính khách, nguyên thủ quốc gia ủng hộ dùng làm công cụ để “rửa sạch giống nòi”.

Từ đây, học thuyết này là nguyên nhân khiến rất nhiều người bị ép buộc triệt sản nhằm loại bỏ các cá thể khuyết tật như người bị tâm thần, mù, điếc, phụ nữ có quan hệ tình dục bừa bãi, người đồng tính hay bộ tộc bị xếp vào loại “thoái hóa” hoặc “không đủ tiêu chuẩn” để tồn tại.

Thời bấy giờ, Mỹ là quốc gia đầu tiên đưa các luận điểm của thuyết ưu sinh vào trong luật pháp cho phép triệt sản các cá nhân thoái hóa. Trong giai đoạn 1907 - 1963, 64.000 người bị ép buộc triệt sản theo luật ưu sinh.

Theo tài liệu mật ghi lại, California là nơi có tỉ lệ triệt sản cao nhất, với khoảng 20.000 ca, chiếm 1/3 trong tổng ca triệt sản ở Mỹ từ năm 1909 tới thập niên 1960. Ý tưởng tạo ra thiên tài và tài năng từ ưu sinh đã được quảng cáo khá rùm beng. William Graham Sumner - người sáng lập Hiệp hội Xã hội học Mỹ cũng đã ủng hộ ý tưởng này.

Sumner cho rằng, nếu chính phủ không can thiệp loại bỏ thì những người khiếm khuyết và nhóm tội phạm sẽ sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều, tạo gánh nặng cho xã hội.

Với việc thông qua đạo luật nhập cư năm 1924, các nhà ưu sinh học lần đầu tiên đóng vai trò là cố vấn trong các cuộc thảo luận của Quốc hội về nguy cơ bị "ô nhiễm" bởi “nguồn gene hạ đẳng” do dân nhập cư từ Đông và Nam Âu. Điều luật này đã làm lượng nhập cư vào Hoa Kỳ giảm tới 15% và gây nên những vụ thù hằn lớn giữa các dân tộc.

Đầu thế kỷ XX, Mỹ, Canada là “cái rốn” nhập cư, nhất là từ Đông và Nam Âu nên 2 nước này đã thông qua các điều luật phân loại thứ bậc quốc tịch.

Theo đó, những người được ưu tiên nhập tịch là nhóm người Anglo-Saxon và người Nordic mà theo thuyết ưu sinh là nhóm dân số ưu việt nhất của loài người. Trong khi đó, một số dân tộc khác lại bị “soi” kỹ hơn, thậm chí còn bị cấm nhập cư vào Mỹ.

Thế nhưng đáng sợ hơn cả là ứng dụng của thuyết ưu sinh ở Đức, học thuyết này rất được trùm phát xít Hitler tin tưởng, hắn thực hiện các cuộc thanh trừng, diệt chủng, chọn lọc để tạo ra những người ưu việt nhất.

Trong thập niên 1930 - 1940, chế độ phát xít đã thực hiện triệt sản ép buộc với hàng trăm nghìn người mà chúng coi là không đủ sức khỏe thể chất và tinh thần. 400.000 người bị triệt sản là con số ước tính trong giai đoạn từ 1934 - 1937 tại đây. Chế độ phát xít còn tàn bạo đến mức ép buộc những người tật nguyền phải chết thông qua chương trình “chết tình nguyện” bằng cách tiêm chất độc Hydro xyanua (HCN).

Hitler từng tuyên bố nhiều lần: “Chúng ta phải tạo ra một giai cấp ưu việt nhất, có khả năng thống trị trong nhiều thế kỷ. Đội quân của chúng ta phải được lựa chọn trên nguyên tắc của học thuyết ưu sinh, để con cái sau này thuộc giai cấp quý tộc của hiện tại và tương lai, không chỉ ở nước Đức mà trên toàn thế giới".

Theo lệnh của Hitler, nước Đức đã thành lập các "trại giống". Những chàng trai ưu tú trong quân đội, được tuyển chọn qua chu trình cực kỳ nghiêm ngặt, những cô gái hoàn mỹ về ngoại hình, thể lực, về tinh thần và tư tưởng (theo tiêu chuẩn của chủ nghĩa phát xít Đức) đều tập trung tại đây.

Họ được chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận để giao phối với nhau và sinh con. Tất cả nhằm thực hiện và chứng minh học thuyết ưu sinh, tuy nhiên, kết quả thu được khá thất vọng.

Có khoảng 50.000 trẻ em ra đời từ các "trại giống" người “thượng đẳng” này. Sau khi chủ nghĩa phát xít thất bại và tan rã, người ta biết rằng, phần lớn các em nhỏ đó có chỉ số thông minh dưới trung bình. Ngoài ra, số trẻ đần độn nhưng tính tình hung hãn cao hơn mức bình thường đến vài lần.
Điều này đánh dấu chấm hết cho những tranh cãi còn dai dẳng, xóa nhòa khả năng thực hiện thuyết ưu sinh đối với con người.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, ý tưởng thanh trừng chủng tộc của Đức Quốc xã đã bị loài người lên án công khai vì nó mang tính phi đạo đức, đi ngược lại các tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về quyền con người. Từ đó, thuyết ưu sinh bị gắn liền với chủ nghĩa phát xít mỗi khi được nhắc tới.Việc thực hiện những mặt tiêu cực của thuyết ưu sinh ngày nay bị liệt vào tội diệt chủng quốc tế.

Chân dung Francis Galton


Những đứa trẻ trong 1 dự án triệt sản theo thuyết ưu sinh ở Mỹ

Quy trình tuyển chọn người đưa vào "Trại giống"

0 nhận xét:

Đăng nhận xét