Đại Cathay, Điền Khắc Kim, Sơn “đảo”, Lâm “chín ngón”... là những cái tên lừng danh trong giới giang hồ Sài Gòn. Nhưng nếu hỏi tên giang hồ nào nổi danh nhất miền Nam trước năm 1975, nhiều người sẽ trả lời đó là Bạch Hải Đường. Bạch Hải Đường là tên giang hồ duy nhất ở miền Nam mà cuộc đời được viết thành sách, dựng thành phim và tái hiện trên sân khấu cải lương…
Bạch Hải Đường tên thật là Nguyễn Ngọc Truyện, sinh năm 1950, là con lớn trong một gia đình có 5 anh em ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Nhà nghèo, Truyện sớm bỏ học, gia nhập đám trẻ bụi đời sống bằng nghề lượm ve chai.
Năm Truyện 15 tuổi, do cha bệnh nặng, nên cậu phải thay cha làm lơ xe cho những chuyến xe đò từ Long Xuyên đi Sài Gòn để kiếm tiền nuôi gia đình. Bôn ba trên những chuyến xe, bến phà, tiếp xúc với các “anh chị”, đại ca ở nhiều nơi, máu giang hồ trong Truyện càng có điều kiện phát triển. Năm 18 tuổi, Truyện được cha mẹ cưới vợ, sinh 2 đứa con trai. Truyện bỏ nghề lơ xe, vừa trốn quân dịch, vừa chạy xe lôi để nuôi vợ con.
Rồi con bị bệnh nặng, không tiền chữa trị. Trong lúc túng quẫn, Truyện liều lấy trộm chiếc xe Honda, bán lấy tiền mua thuốc cho con, khởi đầu con đường trộm cướp. Bị ảnh hưởng bởi câu chuyện tướng cướp Điền Khắc Kim đăng trên báo, Truyện cũng trộm cướp nhắm vào người Mỹ. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 1971, Truyện đã đột nhập vào các gia đình người Mỹ 8 lần, lấy 5 tivi, 5 máy hát, 4 thùng rượu, 2 thùng thuốc lá… Tháng 4/1971, tần suất trộm cắp của Truyện càng dày đặc với 7 chiếc xe Honda trộm được. Qua tháng 5/1971, số chiến lợi phẩm của Truyện là 20 xe Honda... Chỉ trong mấy tháng mà thành phố Long Xuyên có cả trăm chiếc xe Honda bị mất, lực lượng cảnh sát ở đây phải đặt trong tình trạng báo động. Một chiến dịch truy quét quy mô được tiến hành, nhưng không tìm ra được thủ phạm.
Truyện rất giỏi võ nhờ theo học một thầy giỏi võ nhất miền tây. Vụ cướp nổi tiếng làm cho Truyện được giới giang hồ đặt cho biệt danh là Bạch Hải Đường xảy ra cuối năm 1971. Sau khi đột nhập vào nhà đại úy Triệu - sếp phó lực lượng cảnh sát thành phố Long Xuyên, lấy đi nhiều tiền vàng, Truyện “ẩn mình” ở nhà cô người yêu. Một cô “ghệ nhí” khác của Truyện tên Lệ vì quá ghen đã báo cho cảnh sát nơi ẩn náu của Truyện. Truyện bị bắt và bị đại úy Triệu đánh đập dã man, xong cho 2 viên quân cảnh lực lưỡng áp giải về trại giam. Bị còng tay, nhưng khi xe đang chạy, Truyện đánh gục hai quân cảnh và người lái xe rồi lao xuống đường tẩu thoát. Sau vụ đó, giới giang hồ Long Xuyên đặt cho Truyện biệt danh “tướng cướp Bạch Hải Đường”, vì nó giống với câu chuyện tên tướng cướp Bạch Hải Đường trong tiểu thuyết và bộ phim Đài Loan đang rất thịnh hành khi đó là “Phi tặc Hải Đường Hồng”.
Trong bản tự khai của mình, Bạch Hải Đường kể lại hơn 40 vụ đột nhập nhà của các dân biểu Sài Gòn, doanh nhân người Mỹ, cố vấn quân sự Mỹ, nhân viên ngoại giao, cảnh sát, quân cảnh của chế độ cũ... Hầu hết những căn nhà của họ đều rất kiên cố, có lính canh gác 24/24, nhưng Bạch Hải Đường luôn ra vào trót lọt, chưa bao giờ bị phát hiện. "Trong thời gian đi lấy trộm đồ, tôi toàn vô nhà của người giàu có, nhà của người nước ngoài, nhất là người Mỹ", Bạch Hải Đường viết.
Một lần, Bạch Hải Đường vào nhà ông chủ tên Chuẩn chuyên cho bác sĩ nước ngoài ở thuê. Do bên dưới có lính canh nên Bạch Hải Đường leo lên vách tường nhà chùa rồi leo qua nóc nhà của bác sĩ Chuẩn, "trổ" mái nhà chui xuống phòng của một bác sĩ người Úc đang ngủ. Trong căn phòng chật hẹp, y đã "dọn" quần áo, đồng hồ đeo tay, một cái rương lớn, quạt máy, máy “thâu băng”... ra khỏi phòng mà ông bác sĩ Úc vẫn ngon giấc.
Mãi sáng hôm sau thức dậy, nhìn mái nhà có lỗ thủng, bác sĩ này chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Ông chủ nhà tên Chuẩn đã huy động lực lượng tăng cường công tác bảo vệ an toàn cho khu nhà, nhưng chỉ một tuần sau, Bạch Hải Đường lại "viếng thăm" khu nhà một lần nữa. Hắn vào phòng của một bác sĩ người Mỹ dọn sạch tất cả đồ đạc có giá trị, kể cả vàng và đôla, chỉ để lại cho gia chủ khẩu súng trong ngăn kéo. Nhân viên, bác sĩ làm việc trong tòa nhà này sau đó đã dọn đi vì không tin cảnh sát có thể đảm bảo cho tài sản của họ được an toàn. Có người còn nghi ngờ hai vụ mất trộm do nội bộ thực hiện, bởi lúc nào lính cũng gác rất chặt ở cửa.
Một lần khác, Bạch Hải Đường kể, y đột nhập nhà ông Nguyễn Đắc Dần cho mấy kỹ sư người Mỹ thuê. Lọt vào nhà, y thấy hai người Mỹ đang ngủ say sưa. Bạch Hải Đường lấy hai cái rương lớn cho tất cả những thứ cần lấy vào.
Chưa vội rời khỏi hiện trường, Bạch Hải Đường còn lân la xuống nhà bếp, mở tủ lạnh... Hắn lôi rượu thịt đem ra bàn, ngồi chén say sưa, đến gần hết chai rượu vang đỏ mới chịu vác 2 vali đồ đu dây qua cửa sổ thoát xuống đất. Sáng hôm sau, khiếp vía trước hiện trường để lại, 2 kỹ sư Mỹ vội vã dọn đồ đi nơi khác. Cũng tại ngôi nhà này, vài tháng sau Bạch Hải Đường đột nhập vào phòng của hai người Nhật, lấy nhiều tài sản có giá trị. Sau đó vài tuần, Bạch Hải Đường đột nhập vào một căn cứ hải quân Mỹ ở gần kho xăng Quản Trung Hòa. Mấy ngày sau, y lại mò đến căn cứ Mỹ phía sau ngân hàng Tín Nghĩa, vào nhà một sĩ quan lấy được một tivi, quần áo, ba cái gương, nhiều tiền đôla Mỹ...
Không chỉ vào nhà của những đại gia, sĩ quan ở thành phố Long Xuyên, mà mỗi lần đi thăm "bạn bè" ở tỉnh nào đó, đêm đến, y thường "tranh thủ" làm vài vụ. Trong một lần qua nhà người bạn tên Phước Hùng ở Rạch Giá, Kiên Giang, Bạch Hải Đường cũng đã vào nhà người nước ngoài 2 lần. Tại Cần Thơ, y cắt kẽm gai chui vào khu nhà của một trung tá Mỹ lấy một bao đồ, máy chụp hình, tivi và một số tiền.
“Tôi leo lên lầu nhà này thì thấy một chiếc trực thăng đậu trên đó. Tôi leo vào trực thăng kiếm đồ nhưng chỉ lấy được một nón phi công, một đôi bao tay, một bao đồ và một xấp giấy tờ. Tôi mang giấy tờ ra xem thì mới biết đó là nhà của trung tá không quân", Bạch Hải Đường kể. Khi thông tin vụ đột nhập này được tiết lộ ra ngoài, lực lượng quân cảnh, cảnh sát chế độ cũ lại được một phen... náo loạn. Sở dĩ Bạch Hải Đường dám “liều mạng” vào nhà của phi công này là vì có một lời thách thức từ nhóm giang hồ ở Cần Thơ: Nếu ai vào được nhà của phi công trên, vào được máy bay, mang được cả nón phi công ra thì sẽ được tất cả giới giang hồ ở Tây Đô tôn làm "đại ca", chính thức thống lĩnh toàn bộ thế giới giang hồ ở miền Tây.
Khi câu chuyện về Bạch Hải Đường đang hồi gay cấn thì miền Nam được giải phóng, lúc đó Bạch Hải Đường vừa bị bắt vào trại giam. Một ngày sau, lợi dụng tình hình “tranh tối tranh sáng”, Bạch Hải Đường trốn trại, để lại dòng chữ trên tường: “Bạch Hải Đường sinh ra không phải để ở tù”. Nhưng chỉ ít lâu sau, Bạch Hải Đường lại bị bắt vì tội trộm cướp.
Tháng 8/1975, Bạch Hải Đường lại trốn trại, để lại một lá thư: “Xin Cách mạng thông cảm và tha lỗi cho tôi. Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi mới trốn và tôi hứa là về sẽ tăng gia sản xuất để sống. Tôi không phạm tội nữa”. Nhưng Bạch Hải Đường không giữ đúng lời hứa, cướp 100 cây vàng ở vùng biên giới Châu Đốc và bị bắt sau khi 3 viên đạn bắn vào bắp chân. Tháng 5/1980, Bạch Hải Đường tự tháo còng, đục thủng tường trại giam và để lại dòng chữ: “Nơi đây không phải chốn dừng bước giang hồ của Bạch Hải Đường”.
Một lần nữa, tên giang hồ khét tiếng lại đào thoát khỏi vòng vây pháp luật và một cuộc truy bắt nữa bắt đầu. Rồi Bạch Hải Đường cũng bị bắt sau khi trúng đạn. Do nhiều lần bị thương, không chịu chữa trị, xem thường tính mạng, nên bệnh tật của Bạch Hải Đường ngày càng nặng. Dù đã được cán bộ quản giáo tận tình chữa trị, lo thuốc men, nhưng Bạch Hải Đường không thoát khỏi số phận ở tuổi 33. Bạch Hải Đường bình thản nhắm mắt sau khi kể lại toàn bộ tội lỗi của mình trong 13 năm làm “tướng cướp” và chân thành cảm ơn các cán bộ quản giáo.
Sưu tầm từ: laodong.com.vn, Wikipedia tiếng Việt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét